Blog of Nguyenvuphuoc

ĐỂ LƯU GIỮ MỘT KHOẢNH KHẮC: ALFRED STIEGLITZ

ĐỂ LƯU GIỮ MỘT KHOẢNH KHẮC: ALFRED STIEGLITZ

“Có rất nhiều trường phái hội họa. Vậy tại sao không nên có nhiều trường phái nghệ thuật nhiếp ảnh? Dường như không có đúng và sai trong vấn đề này, nhưng có sự thật, và rằng cần phải hình thành nền tảng cho tất cả tác phẩm nghệ thuật.” - Alfred Stieglitz

 

 

Khi nhiếp ảnh lần đầu tiên được phát minh, nó không được coi là một hình thức nghệ thuật. Một chiếc máy ảnh không chỉ là một loại cây cọ mới, mà là một công cụ khoa học, một cái máy, chủ yếu được sử dụng để hiển thị chính xác về những gì mắt người nhìn thấy. Nó không được coi là phương tiện được sử dụng để tạo ra bất cứ điều gì mới hoặc khác biệt, và chắc chắn không phải để thể hiện bản thân. Đó chỉ là một bước mới trong sự tiến bộ của công nghệ. Trường phái tư tưởng này đã thay đổi, và thay đổi nhanh chóng, trở thành tư tưởng chú yếu của một nhiếp ảnh gia, Alfred Stieglitz, người tại thời điểm đó gần như đơn thương độc mã nhận trách nhiệm đương đầu với các giới hạn của nhiếp ảnh. Ông biết nó có thể là một cái gì đó tuyệt vời; một cái gì đó mà có thể, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, thay đổi cách nhìn của mọi người. Ông biết rằng nhiếp ảnh có thể là một hình thức nghệ thuật chính đáng như hội họa hay điêu khắc và ông đã dành cuộc sống của mình chiến đấu cho điều đó.

 

 

 

 

 

Alfred Stieglitz được sinh ra vào năm 1864 trong một gia đình giàu có ở Hoboken, New Jersey. Ông là người lớn tuổi nhất trong sáu người con và được chiều chuộng, do đó có phần hư hỏng. Khi ông mười bảy tuổi, cha mẹ của ông đã bán tất cả mọi thứ và cả gia đình chuyển đến Đức, hy vọng có được một nền giáo dục tốt hơn cho người con cả của họ, một điều gì đó thách thức hơn tại trường công lập, điều này đã làm ông buồn. Đức là nơi đầu tiên Alfred  bắt đầu chụp ảnh, ông nói rằng: "Chiếc máy ảnh này đã chờ đợi cho tôi theo sự sắp xếp thiên định và tôi đã đến với nó như là một nhạc sĩ đến với chiếc piano hay một họa sĩ đến với khung tranh của mình. Tôi thực sự đến với nhiếp ảnh với một linh hồn tự do - và yêu thích nó ngay từ cái nhìn đầu tiên với một niềm đam mê lớn."

 

 

 

Stieglitz coi mình là một kẻ nổi loạn, luôn luôn thách thức bản thân và các giới hạn của nhiếp ảnh. Ngay từ đầu, ông đã biết các triển vọng của nhiếp ảnh và ông đã quyết định cho phần còn lại của thế giới thấy được điều đó. Khi cha mẹ ông trở lại Mỹ vào năm 1884, Stieglitz (với sự cho phép rộng lượng của cha đã trở thành người vô cùng tự do) vẫn tiếp tục khám phá thế giới mới mà ông phát hiện ra, nói chuyện với cả các nghệ sĩ và các nhà khoa học, và chụp ảnh trên khắp châu Âu. Ông đã không trở lại Mỹ trong sáu năm tiếp theo, mãi cho đến khi cha ông đe dọa sẽ ngừng hỗ trợ tài chính. Thời điểm đó, ông tự coi mình là một nghệ sĩ. Ông không chỉ làm nên tên tuổi cho bản thân với tư cách một nhiếp ảnh gia, mà còn là một tác giả cho nhiều tạp chí nghệ thuật.

 

 

Bố mẹ ông quyết định đã đến lúc ông cần nghề nghiệp ổn định, kết hôn và có một cuộc sống đáng ngưỡng mộ. Stieglitz không đồng ý với quan điểm này, nhưng ông đã thỏa hiệp và đã kết hôn với em gái của một người bạn cũ, Emmeline Obermeyer. Emmeline là người khá dè dặt hơn so với người chồng mới của cô và sau đó ông đã viết rằng ông không bao giờ yêu cô, nó chỉ đơn thuần là một cuộc hôn nhân mang lại lợi ích kinh tế cho ông. Ông có thể sử dụng tiền của vợ, tuy nhiên, để tiếp tục lối sống quen thuộc của ông, lối sống mà ông chỉ tập trung sử dụng toàn bộ thời gian với máy ảnh của mình, chứ không phải với vợ.

 

 

 

Trong cuộc đấu tranh làm cho nhiếp ảnh trở thành một hình thức nghệ thuật, ban đầu ông chụp lại những bức tranh nổi tiếng của thời đó, không chỉ sử dụng những cảnh đường phố là chủ đề chính, mà còn bắt chước nét mềm và sự mơ màng trong các tác phẩm của trường phái Ấn tượng. Trường phái Nhiếp ảnh Ấn tượng này đã trở thành một xu hướng rất phổ biến trong các nhiếp ảnh gia, trong cuộc chiến chống lại những suy nghĩ thông thường rằng nhiếp ảnh chỉ là một bản ghi lại khoảnh khắc. Đó là một phương pháp tạo ra một hình ảnh. Tuy nhiên, không giống như các nhiếp ảnh gia khác trong phong trào Tranh ảnh này, Stieglitz sử dụng bầu không khí xung quanh ông để tạo ra những hiệu ứng này, chứ không phải các thủ thuật phòng tối. Những thứ như sương mù, hơi nước từ một chiếc xe lửa, mưa và tuyết rơi, tất cả đã giúp ông có được những hình ảnh mà ông muốn.

 

 

 

Năm 1902, Stieglitz cảm thấy chán ngán với quan điểm chính trị của tầng lớp ưu tú trong giới nghệ thuật khi tuyên bố những thứ được phép trưng bày và những thứ không được phép, và thành lập nhóm ưu tú của mình, gọi đó là "Hội Nhiếp ảnh ly khai", ông giải thích, "Ý tưởng về sự ly khai là mối hận thù đối với người Mỹ - họ sẽ luôn nghĩ của cuộc nội chiến. Tôi thì không. Hội Nhiếp ảnh ly khai thực sự có nghĩa là việc thoát khỏi những quan niệm đã được chấp nhận về những thứ cấu thành một bức ảnh”. Ông cùng với các nhiếp ảnh gia như Edward Steichen, Gertrude Kasebier, và F. Holland Day cùng nhau mở triển lãm riêng của họ bao gồm các hình ảnh mà họ muốn mà không có hạn chế nào. Buổi trưng bày là một thành công lớn và đã khuyến khích Stieglitz bắt đầu xuất bản riêng, một tạp chí độc lập có tên gọi Camera Work.

 

 

 

Camera Work chỉ là một trong những đóng góp Stieglitz với thế giới sáng tạo. Trọng tâm của tạp chí đặt vào thế giới nghệ thuật, không chỉ riêng nhiếp ảnh. Tuy nhiên, nó chứa đựng những hình ảnh đẹp, nhưng những hình ảnh đó đi kèm với những bài viết xuất sắc về các nhiếp ảnh, nghệ thuật, và phê bình nghệ thuật. Tạp chí được xuất bản theo quý, mọi ấn phẩm đều có sự tham gia của Stieglitz, từ việc thiết kế các nội dung đến quảng cáo, từ mỗi bức ảnh cho mỗi bài viết. Ông muốn mỗi ấn phẩm đều hoàn chỉnh nhất trong ngày xuất bản. Ông đã dành quá nhiều thời gian cho việc này, cả công việc của ở Hội Nhiếp ảnh ly khai, giúp đỡ các nhiếp ảnh gia khác, và triển lãm tại Gallery 291 (một phòng trưng bày nhỏ mà ông và Edward Steichen cùng điều hành), nhiều đến mức ông đã gần như ngừng lại chụp ảnh.

 

 

 

Mãi cho đến khi ông đi du lịch châu Âu với gia đình của mình vào năm 1907, ông mới lấy lại cảm hứng chụp ảnh. Đi bộ trên boong của con tàu, ông phát hiện ra một bố cục tuyệt đẹp của dòng tàu và những người ở boong trên và boong dưới. Một người đàn ông với chiếc mũ dạ đã thu hút ánh nhìn của ông và ông biết mình cần một bức ảnh. Ông chạy về phòng ngủ của mình để nhanh chóng lấy máy ảnh với hy vọng những người đàn ông đó sẽ không rời đi. Bức ảnh này, The Steerage, đã trở thành một trong những bức ảnh quan trọng nhất, không chỉ trong sự nghiệp Stieglitz, mà còn trong lịch sử nhiếp ảnh. Nó đã trở thành một bước ngoặt, từ trường phái Hình tượng sang chụp ảnh thẳng. Đó là một sự thay đổi trong suy nghĩ rằng nhiếp ảnh phải được sử dụng theo một cách nào đó để chứng minh bản thân. Giờ đây nhiếp ảnh đã làm được điều đó và tiếp tục phát triển.

 

 

 

Thời gian ở châu Âu, Stieglitz một lần nữa được giới thiệu tới các nghệ sĩ anh chưa bao giờ gặp trước đây; những người như Cezanne, Rodin, và Matisse. Ông không hiểu việc này, nhưng bản thân không bao giờ ngừng đánh giá cao điều đó. Rodin đã để ông sử dụng một số bản vẽ của mình để trưng bày trong một cuộc triển lãm mới tại Gallery 291. Đây là lần đầu tiên trong nhiều cuộc triển lãm của ông có kết hợp nhiếp ảnh với các tác phẩm nghệ thuật khác. Ông phát hiện ra rằng chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã dành sự đánh giá cao và tôn trọng cho những nghệ sĩ này, những nghệ sĩ Hậu ấn tượng, các nghệ sĩ Lập thể, các nghệ sĩ trường phái Dã thú. Ông thấy rằng không có sự khác biệt nào giữa những điều họ đã làm và những điều ông đang cố gắng với nghề nhiếp ảnh của mình.

 

 

 

Ông có một sự tôn trọng vô cùng lớn đối với nền nghệ thuật thế giới và xung quanh ông, với không chỉ các nhiếp ảnh gia, mà còn các nghệ sĩ, nhà phê bình, nhà văn và nhạc sĩ; hầu hết những người sáng tạo và thông minh của thời điểm đó. Ông yêu tính cộng đồng của thế giới đó; sự trao đổi ý kiến ​​và hợp tác. Đây là nguồn cảm hứng để ông tiếp tục thử thách bản thân và suy nghĩ riêng của mình. Ông nhận thấy giới hội họa và văn chương liên tục thay đổi và ông đã có tầm nhìn tương tự cho nhiếp ảnh. Ông thậm chí còn hướng dẫn những nghệ sĩ trẻ, tài trợ cho họ và trưng bày tác phẩm của họ.

 

 

Một bước ngoặt khác với Stieglitz là việc giới thiệu tác phẩm Georgia O'Keefe. Từ cái nhìn đầu tiên vào năm 1916, ông biết rằng đây là việc quan trọng và nói rằng, "Cô ấy làm được một việc còn hơn cả vẽ, cô ấy đã phát minh ra một ngôn ngữ." Họ bắt đầu trao đổi thư từ và dẫn đến một mối tình mãnh liệt, Stieglitz để rời khỏi vợ mình, và cuối cùng cả hai người họ kết hôn và dành khoảng thời gian ba mươi năm cho việc chung sống và xa cách. O'Keefe chính là “lá bài trùng” mà ông đã tìm kiếm bấy lâu. Cô đã trở thành nàng thơ của ông. Ông lại bắt đầu chụp chân dung, chân dung của những người mẫu cũng như những người không ý thức được máy ảnh đang chụp mình. Những bức chân dung chụp thẳng và trung thực. Ông đã nắm bắt được những biểu cảm thật mà không có bất kỳ sự sắp đặt giả dối nào. Ông cũng bắt đầu tập hợp những tác phẩm lớn nhất mà ông tạo ra trong suốt thời gian với O'Keefe. Mục tiêu của ông là tạo ra một "chân dung hỗn hợp", một bản ghi về một con người, với tất cả các tâm trạng và biểu hiện của họ, thực hiện trên chính cuộc đời của họ. Từ năm 1917 đến năm 1937, ông đã chụp hơn 300 bức chân dung của cô. Ông lấy cận cảnh khuôn mặt cô, mái tóc, thân hình khỏa thân, và nhiều hình ảnh bàn tay cô. Những hình ảnh này là không giống bất kỳ hình ảnh nào tương tự trước đây. Không ai nghĩ rằng có thể chụp một bức chân dung đầy biểu cảm mà không bao gồm khuôn mặt của đối tượng, tuy nhiên, đây là một bộ sưu tập tổng thể, và tất cả đều rất đẹp.

 

 

Trong những năm 1920, Stieglitz chuyển sang trừu tượng nhiều hơn. Mẹ ông bị bệnh và qua đời, điều này khiến ông bắt đầu tìm kiếm một cái gì đó khác hơn. Ông nhìn thấy những thứ xung quanh mình chết dần. Ông muốn nhận dạng một cái gì đó xa hơn và ít cụ thể hơn, do đó, ông nhìn lên bầu trời. Bị ảnh hưởng bởi Kandinsky, ông đã tạo ra một loạt những hình ảnh như vậy để cố gắng chỉ ra rằng những thứ trừu tượng có thể được sử dụng để đại diện cho những gì chúng ta cảm thấy bên trong. Stieglitz cho biết “Điều quan trọng nhất là lưu giữ được một khoảnh khắc", "để ghi lại điều gì đó trọn vẹn đến mức những ai nhìn thấy nó sẽ hồi tưởng lại đúng những gì mà họ đã thể hiện."

 

 

Mặc dù phải chịu đựng nhiều cơn đau tim, Stieglitz vẫn chụp ảnh cho đến năm 1937, khi sức khỏe yếu không cho phép ông tiếp tục. Ông vẫn hỗ trợ các nghệ sĩ cho đến ngày ông qua đời vào năm 1946. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã tạo ra hơn 2.500 bức ảnh hoàn chỉnh. Mặc dù ông và O'Keefe đã ly thân trong một thời gian khá lâu, cô đã bên cạnh ông khi ông qua đời, và tự mình tập hợp những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, quyên góp rất nhiều cho Phòng trưng bày nghệ thuật Quốc gia ở thủ đô Washington. Stieglitz là một nhà truyền giáo, một số người thậm chí còn gọi ông là một nhà tiên tri, không ngừng truyền bá động lực cho phong trào hiện đại. Ông không bao giờ hài lòng với thực tại, nhưng luôn luôn tìm kiếm những điều mới, biết rằng điều gì đó quan trọng hơn là sắp xảy ra. Ngay cả khi ông đã có những thành công của riêng mình, ông dường như không dừng lại và thưởng thức chúng, bởi vì trong tâm trí của ông luôn luôn có nhiều thứ hơn nữa.

"Nhiếp ảnh không phải là một loại nghệ thuật. Cả hội họa, điêu khắc, văn học hay âm nhạc cũng vậy. Chúng chỉ là những phương tiện khác nhau mà mỗi cá nhân dùng để thể hiện cảm xúc thẩm mỹ của mình ... Bạn không phải là một họa sĩ hay một nhà điêu khắc để là một nghệ sĩ. Bạn có thể là một thợ đóng giày và cũng có khả năng sáng tạo như thế. Và, nếu được như vậy, bạn chính là một nghệ sĩ vĩ đại hơn phần lớn các họa sĩ mà tác phẩm của họ được trưng bày trong các phòng trưng bày nghệ thuật ngày nay".

Đọc thêm bài của Alfred Stieglitz tại đây

Nguyen Vu Phuoc lượt dich -

(Vui lòng trang web khác copy lại nên để nguồn ngừoi đã lượt dịch )

 

 

instagram facebook twitter
© Copyright nguyenvuphuoc - All rights reserved.
Business of mine: kienvanggroup.com