Blog of Nguyenvuphuoc

''PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN NHIẾP ẢNH ĐƯỜNG PHỐ '' Phần 2/12

 ''Phương pháp tiếp cận nhiếp ảnh đường phố'' phần 2/12 .

Tiếp nối phần 1  mời các bạn hãy đến với phần 2 trong tài liệu ''Phương pháp tiếp cận nhiếp ảnh đường phố''

Lập kế hoạch.

Hiểu rõ điều bạn đang cần tìm kiếm.

Làm thế nào mà đôi mắt của bạn có thể tập trung vào một cái gì đó khi nó không biết bạn đang tìm kiếm điều gì? Công việc đầu tiên trên chuyến dạo quanh đường phố là lập kế hoạch cụ thể, những gì bạn muốn tập trung vào trong ngày hôm nay. Đó có thể là "màu sắc", hoặc một đồ vật nhất định như "túi xách", hoặc một bộ phận cơ thể như "đôi chân" hoặc một đối tượng hay một tình huống ánh sáng như "ánh sáng ngược".

Nắm bắt ý tưởng.

Bắt đầu trong tâm trí của mình, bạn nên đi bộ qua các đường phố khác nhau và quan sát mọi điều bạn nhìn thấy. Bạn có thể tham khảo ảnh của người khác hoặc ảnh đăng trên các tạp chí,… để có được ý tưởng cho dự án của bạn. Bạn có thể đứng trên đường phố và quan sát mọi người để nắm bắt ý tưởng, những gì bạn sẽ đưa vào trong dự án tiếp theo của bạn.

Hãy khác biệt.

Có thể lên những ý tưởng đơn giản hoặc khác biệt so với người khác. Nếu bạn muốn chụp những bức ảnh thú vị, hãy suy nghĩ sáng tạo. Bạn phải cố gắng sáng tạo hơn, khác biệt và thậm chí điên rồ. Dưới đây là một số câu hỏi.

Bạn đã bao giờ chụp...

… một con chó khi nó đang chạy rong?

… chỉ tập trung vào những bướt chân vội vàng?

… chân dung của một người chờ đợi ở những trạm xe bus?

… mọi người đổ xô ở bến xe đò?

… những bàn tay đang làm việc gì đó?

… kẹt xe nơi giao lộ?

… chị bán hàng rong đang có giây phút nghỉ ngơi vì mệt mỏi?

Đây là một số ví dụ để kích hoạt bộ não của bạn tìm kiếm chủ đề tiếp theo. Bạn không nên thực hiện lại những điều mà người khác đã hoàn thành. Tìm ý tưởng của riêng bạn, bắt đầu từ nhỏ đến lớn hơn theo thời gian. Có rất nhiều ý tưởng đang chờ bạn khám phá.

Lập danh sách.

Đây là một danh sách ngắn các tiêu chí mà bạn có thể chọn. Đó sẽ là một khái niệm giới hạn mà bạn phải tuân theo khi chụp ảnh. Nó giúp bạn lựa chọn đối tượng dễ dàng hơn. Ví dụ một danh sách như sau:

  • Giày dép.
  • Một vật gì đó thú vị.
  • Một người đang đứng.
  • Máy ảnh trên sàn nhà.
  • Chụp từ phía sau.
  • Chụp cận cảnh.
  • Không xin phép đối tượng.
  • Ống kính 50mm.
  • Mở rộng khẩu độ (ví dụ f/2.8).
  • Quảng trường.
  • Màu sắc.
  • Chụp một loạt 10 bức ảnh.

Đặt danh sách này trong túi mỗi khi đi ra ngoài. Bạn sẽ chỉ tập trung vào giày dép. Bạn sẽ quan sát những người đang đứng. Bạn sẽ cố gắng tìm kiếm và chụp ảnh mọi người mà họ không hề biết. Bạn sẽ tìm ra thiết lập nào là tốt nhất. Đặc biệt chế độ tự động lấy nét có thể sẽ khó kiểm soát, nếu bạn không muốn nằm trên mặt đất và nhìn qua kính ngắm.

Thiết bị.

Khi bạn có kế hoạch cụ thể, bạn biết những gì bạn muốn chụp và sau đó bạn cũng biết ống kính nào cần phải mang theo. Tôi thường thấy nhiều người đi bộ với một chiếc túi lớn trên đường phố. Điều đó không cần thiết. Bạn chỉ cần đem theo một máy ảnh và một ống kính khi bạn đã có kế hoạch cụ thể. Bạn không cần phải mang theo quá nhiều thiết bị. Khi tôi chụp ảnh chân dung, tôi sử dụng máy ảnh Nikon với ống kính 50mm. Khi tôi chụp các thể loại ảnh đường phố khác, tôi sử dụng máy ảnh Nikon V1 với ống kính 10-30mm.

Ánh sáng.

Nhiếp ảnh sẽ không tồn tại nếu không có ánh sáng. Đó là tất cả về ánh sáng, mặc dù trên đường phố, bạn không có nhiều sự lựa chọn về ánh sáng. Bạn vẫn phải chuẩn bị rất kỹ để không mắc phải bất kỳ sai sót. Trước hết bạn chọn ánh sáng ban ngày khi bạn ra ngoài chụp ảnh. Dưới đây là một số lời khuyên về các tình huống ánh sáng (mặt trời vào buổi sáng và buổi chiều tầm 3 hoặc 4 giờ sẽ có nhiều thú vị hơn):

Nhiều nắng sẽ gây khó khăn cho bạn.

Mặc dù tất cả mọi người đều thích ánh nắng mặt trời, nhưng trong nhiếp ảnh đường phố ánh nắng lại gây ra trở ngại. Đặc biệt khi bạn muốn chụp chân dung, ánh sáng sẽ quá sáng trong ánh nắng mặt trời trực tiếp. Bạn sẽ thấy bóng đổ trên khuôn mặt đối tượng làm bức ảnh không đẹp. Khi có ánh nắng mặt trời trực tiếp, bạn có thể chụp ảnh bóng đen, không nên chụp chân dung.

Mưa.
Tại sao bạn lại trú mưa như người khác.

Mọi người không thích mưa và các nhiếp ảnh gia cũng không đi ra ngoài khi trời mưa vì máy ảnh có thể bị ướt. Vào một ngày mưa mọi người sẽ không chú ý quá nhiều đến môi trường xung quanh như thường ngày. Họ bận rộn tìm chỗ trú để không bị ướt. Mưa càng lớn thì điều kiện chụp ảnh càng tốt hơn bởi vì vấn đề duy nhất không bị mưa ảnh hưởng là đủ ánh sáng. Tăng giá trị ISO để bù ánh sáng yếu. Hãy thử nghiệm chụp ảnh khi trời mưa.

Nhiều mây hoặc Sương mù.

Là điều kiện hoàn hảo.

Tôi yêu thích bầu trời nhiều mây hoặc sương mù. Những đám mây hoặc sương mù đóng vai trò như gương phản xạ và ánh sáng sẽ nhẹ dịu hơn so với ngày nhiều nắng. Bạn không cần phải lo lắng quá nhiều về hướng chiếu của ánh nắng mặt trời. Vì vậy, bạn hoàn toàn tập trung vào đối tượng mà bạn muốn chụp. Là một người mới bắt đầu chụp ảnh đường phố, bạn nên chọn những ngày nhiều mây để thực hành, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và bạn sẽ nhận được hình ảnh tốt hơn.

Ban đêm.

Với những điều thú vị.

Một số người nói rằng không thể chụp ảnh đẹp vào ban đêm. Điều đó không đúng sự thật. Trong thành phố sẽ có nhiều sự nhiễm sáng, có nghĩa là quá nhiều nguồn sáng, và không gian không hoàn toàn tối đen vào ban đêm. Bạn có thể đọc báo ở công viên vào lúc giữa khuya. Tận dụng vấn đề này như một lợi thế và đi ra ngoài vào ban đêm. Tìm hướng ánh sáng chiếu đến và sử dụng nó trong sáng tác của bạn. Bạn có thể sử dụng chân máy để cố định máy ảnh. Chụp ảnh đối tượng tĩnh hoặc chuyển động mờ. Đó là một trải nghiệm hoàn toàn khác lạ khi chụp ảnh vào ban đêm.

Ánh sáng chính xác.

Hãy chắc chắn bạn không chụp ảnh trong các tình huống ánh sáng sai. Luôn biết rõ hướng ánh sáng trước khi chụp ảnh.

Nếu bạn muốn nhìn thấy khuôn mặt, hướng ánh sáng từ phía sau bạn (chụp chân dung).
Nếu bạn muốn nhìn thấy hình dáng, hướng ánh sáng từ phía trước bạn (chụp ảnh bóng).

Ánh sáng luôn luôn ở đó, sử dụng, thử nghiệm, đưa vào bức ảnh của bạn. Càng hiểu rõ về ánh sáng, kết quả nhận được sẽ càng tốt.

Có nên sử dụng chân máy hay không?

Tăng ISO để bù ánh sáng yếu (hoặc sử dụng chân máy). Trên đường phố, chân máy có thể không thuận tiện, trừ trường hợp chụp chuyển động mờ hoặc phơi sáng lâu. Tìm cách để đặt máy ảnh trên một bề mặt cố định để tránh sử dụng chân máy.

Kết luận.

Hãy thử nghiệm ánh sáng khác nhau để tìm hiểu các tình huống hoạt động hiệu quả cũng như những khó khăn mà ánh sáng gây ra. Càng nắm rõ về ánh sáng, kết quả nhận được sẽ tốt hơn và bạn sẽ cảm thấy thuận tiện hơn khi chụp ảnh. Bạn nên đi ra ngoài vào các thời điểm khác nhau trong ngày để nắm bắt được sự ấn tượng trong các tình huống ánh sáng khác nhau. Điều quan trọng là hiểu được ánh sáng, nếu không, bạn sẽ không thành công trên con đường nhiếp ảnh.

 

Chúc các bạn luôn luôn thành công!

Hẹn gặp lại các bạn trong phần 3 trong tài liệu ''Phương pháp tiếp cận nhiếp ảnh đường phố''.

Thân ái chào tạm biệt!

 

 

instagram facebook twitter
© Copyright nguyenvuphuoc - All rights reserved.
Business of mine: kienvanggroup.com